Giới thiệu
1. Giới thiệu chung
Việt nam là một trong 5 nước đứng đầu về xuất khẩu tôm nuôi nước lợ, và là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về cá tra trên thế giới. Vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) với các lợi thế về tự nhiên, là vùng nuôi trồng thủy sản chủ yếu của Việt Nam, sản xuất hơn 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước. Nuôi tôm nước lợ và cá tra là 2 đối tượng nuôi chính, quan trọng nhất ở ĐBSCL. Vùng ĐBSCL chiếm 92% diện tích và 83% sản lượng tôm nuôi nước lợ, sản xuất 1,2 triệu tấn cá tra đưa lại giá trị xuất khẩu 1,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, nuôi tôm nước lợ và cá tra ở ĐBSCL đang phải đối mặt với 1 số thách thức, đó là: dịch bệnh, lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, nguy cơ ô nhiễm môi trường, không đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm thủy sản, gây tổn thất kinh tế, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.
Dịch bệnh trong nuôi tôm, cá tra và môi trường nước có quan hệ chặt chẽ, nhiều năm qua, chính phủ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng cục thủy sản, Cục Thú y, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các doanh nghiệp, hộ nuôi đã có nhiều nỗ lực trong quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh phục vụ nuôi tôm, cá tra. Những nỗ lực đó vẫn còn những hạn chế, đó là sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, người dân trong quan trắc, giám sát môi trường và dịch bệnh chưa tốt để có hiệu quả hơn trong kiểm soát dịch bệnh và môi trường. Số liệu quan trắc môi trường và dịch bệnh do các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi thu thập còn phân tán, chưa được tổng hợp, sử dụng tốt nhất để hiểu rõ hơn quan hệ giữa chất lượng môi trường nuôi với phát sinh dịch bệnh.
Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm và cá tra nói riêng cần hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh. Các số liệu, thông tin môi trường, dịch bệnh thu thập được cần được tổng hợp, phân tích toàn diện để đưa các quyết định quản lý và áp dụng các kỹ thuật nuôi thích hợp, do vậy cần nâng cao chất lượng phương pháp quan trắc và phân tích tổng hợp các số liệu môi trường, dịch bệnh. Để sử dụng hiệu quả nhất các số liệu quan trắc môi trường, dịch bệnh thu thập được cần xây dựng hệ thống, cơ chế tổng hợp, phân tích thông tin quan trắc phục vụ quản lý và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Nhận thức tầm quan trọng của việc hợp tác công tư trong giải quyết các thách thức của nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập nhóm hợp tác công tư ngành thủy sản (PPP thủy sản) gồm đại diện từ phía nhà nước (Tổng cục thủy sản), các tổ chức phi chính phủ (Hội nghề cá Việt Nam, IDH, GIZ, WWF), doanh nghiệp (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản). Nhóm PPP thủy sản xây dựng dự án: Hỗ trợ phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua hợp tác công tư.
Dự án gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1: Đẩy mạnh hợp tác công tư trong quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Hợp phần 2: Nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản thông qua quản lý tốt hơn giống, thức ăn, kháng sinh, hóa chất. Hợp phần 3: Nâng cao hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
2. Mục tiêu của hệ thống Cơ sở dữ liệu Quan trắc môi trường thủy sản
Hệ thống quản lý cơ sở số liệu, báo cáo và phản hồi kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản phục vụ quản lý và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Cung cấp cho người dân và các doanh nghiệp thông tin chính xác, kịp thời.