Thủy sản 2018: Cá tra vượt vũ môn, tôm vùng vẫy
11 tháng xuất khẩu hơn 2 tỷ USD
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), cho biết 2018 là năm đầu tiên trong 30 năm cá tra có bước tăng trưởng ngoạn mục về giá cả khi khôi phục lại mức giá của năm 2004 - 2006. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2018, nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển cá tra. Trong tháng 10, giá cá nguyên liệu lập đỉnh 10 năm do các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Còn theo số liệu của VASEP, đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra đã đạt 2,04 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2017. Việc xuất khẩu được cho là sẽ thuận lợi hơn khi kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho giai đoạn rà soát hành chính thứ 14 thấp hơn lần trước. Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm Mỹ cũng đã công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) đã thanh tra 8 trên tổng 13 cơ sở đang xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ và không tìm thấy bất kỳ thiếu sót nào có thể gây hại trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng.
Chuyện ngành thủy sản 2018: Cá tra vượt vũ môn, tôm vùng vẫy - Ảnh 1.
Diễn biến giá cá tra nguyên liệu trong 11 tháng đầu năm 2018 cho thấy mức cao nhất là 33.000 đồng/kg. Đồ họa: Liên Hương.
Trong năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là một yếu tố khác giúp mở đường rộng hơn cho cá tra Việt Nam vào Mỹ. Sau khi bị Mỹ áp thuế 25%, nông dân và các doanh nghiệp chế biến của Trung Quốc không thể kiếm lời bằng cá rô phi nữa vì gần như không xuất được hàng sang Mỹ. Mặt khác, giá cá rô phi trên thị trường quốc tế vẫn trên xu hướng giảm kể từ năm 2015.
Những diễn biến tích cực trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại lớn như CPTPP và EVFTA cũng được đánh giá là cơ hội lớn cho cá tra. Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, chia sẻ với NDH rằng với các hiệp định thương mại này, sản phẩm cá tra nhập khẩu vào các nước thành viên sẽ được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, với các nước tham gia CPTPP thì không phải là thị trường lớn của cá tra vì vậy CPTPP cũng không tác động nhiều đến lợi thế xuất khẩu của sản phẩm này.
Với những thuận lợi này, VASEP dự báo xuất khẩu mặt hàng trên sẽ đạt trên 2,3 tỷ USD trong cả năm 2018, tăng 23% so với năm ngoái. Trong khi đó, chia sẻ tại một hội nghị thủy sản cuối tháng 11, bà chủ Vĩnh Hoàn dự đoán con số này có thể đạt 2,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc giá lên cao ở cả thị trường nội địa và cả thị trường thế giới lại là thách thức lớn với cá tra Việt Nam trong những năm tới, bởi nhiều nước cũng đang đẩy mạnh nuôi cá tra, như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Bangladesh… Nếu như trước đây, Việt Nam từng chiếm tới hơn 90% sản lượng cá tra toàn cầu, thì đến nay, chỉ còn chiếm hơn 50%, các chuyên gia trong ngành cho biết. Nói cách khác, Việt Nam đang mất dần thế độc quyền đối với cá tra.
Lo bị Trung Quốc, Indonesia cạnh tranh
Đối thủ cần phải dè chừng trước hết có lẽ là Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Theo ước tính của Tạp chí Seafood Guide, sản lượng cá tra của Trung Quốc có thể đạt 25.000 - 30.000 tấn trong năm nay.
Hiện đã có hơn 20 nhà máy mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc để chế biến nguồn cá tra được nuôi trồng miền nam nước này. Chưa thể là đối thủ của Việt Nam xét về thị trường xuất khẩu nhưng việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất cá tra trong nước sẽ giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong thời gian tới. Cũng như nhiều quốc gia khác, cá tra sản xuất tại Trung Quốc gặp vấn đề thịt vàng nhưng giá lại cạnh tranh hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường tiêu thụ có tiềm năng lớn nhờ nhu cầu lớn và thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông. Từ năm 2015 đến 2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong tăng trưởng liên tục 30 - 88%. Tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng nhập khẩu cá tra, Trung Quốc cũng bắt đầu siết quy định, từ quy định về dư lượng photphat trong sản phẩm, chính sách tạm nhập tái xuất tới việc chuyển công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch cho Tổng cục Hải quan. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi muốn đăng ký bổ sung các sản phẩm xuất khẩu vào “Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc”
Trong khi đó, một số nước nuôi cá tra cũng bắt đầu thể hiện tham vọng thâm nhập vào các thị trường tiêu thụ quan trọng. Lợi dụng nhu cầu đang tăng trưởng ở thị trường Trung Đông, đặc biệt là khi Arab Saudi tạm ngừng nhập khẩu cá tra của Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân cá da trơn Indonesia đã cho ra mắt thương hiệu cá tra với khẩu hiệu "Cá tra Indonesia - sự lựa chọn tốt". Cá tra Indonesia đang được giới thiệu ra thế giới là sản phẩm được nuôi bằng chế phẩm sinh học, sử dụng nước ngầm sạch với mật độ nuôi thấp.
Một trở ngại khác cho cá tra Việt Nam đó là lệnh tạm ngừng nhập khẩu từ ngày 23/1 của Arab Saudi, thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam ở Trung Đông năm 2017. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Arab Saudi từng đạt giá trị 53,4 triệu USD, cao gấp đôi so với 2 thị trường lớn tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập trong năm ngoái. Tuy nhiên, từ khi lệnh tạm dừng nhập khẩu được ban hành, xuất khẩu sang Arab Saudi bị ngưng trệ, chỉ đạt 10,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay, giảm tới 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm Việt "vùng vẫy"
Trái ngược với cá tra, tôm lại là mặt hàng thủy sản duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 11 tháng đầu năm nay. Kể từ tháng 4 đến tháng 11, xuất khẩu tôm Việt chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm 2017 do giá tiếp tục giảm và nhu cầu thấp. Theo số liệu của VASEP, 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu về gần 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu tôm, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội dự báo xuất khẩu tôm cả năm được dự báo sẽ giảm 5% so với năm 2017 và đạt khoảng 3,6 tỷ USD.
Chuyện ngành thủy sản 2018: Cá tra vượt vũ môn, tôm vùng vẫy - Ảnh 2.
Ngược lại, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm. Đồ họa: Liên Hương.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC), nhận định ngành tôm Việt Nam năm 2018 rất kém. Thời tiết đầu năm không thuận lợi cho ngành tôm khi các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tiêu thụ tôm giảm đáng kể, tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc và EU theo đó ở mức cao. Tồn kho của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng tăng đáng kể vì Trung Quốc siết chặt vấn đề tôm xuất khẩu đường tiểu ngạch qua biên giới.
Trong khi đó, sản lượng tôm của Ecuador, Indonesia và Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong hai năm tới, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu cho biết. Liên minh dự báo nguồn cung tôm toàn cầu năm 2018 sẽ tăng khoảng 5,5% so với năm ngoái, và đến năm 2020, sản lượng sẽ đạt 5 triệu tấn vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng 18% và kèm theo đó là rủi ro dư cung.
Giá giảm do tình hình chung trên thế giới
Tuy nhiên, trao đổi với NDH, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), cho rằng: “Thực ra ngành tôm năm 2018 không kém khả quan, chỉ là giá tiêu thụ bị sụt giảm theo tình hình chung trên thế giới”. Nói về triển vọng năm 2019, ông Lực cũng cho rằng xu thế là mức cung tôm thế giới trên đà thuận lợi vì không có dự báo dịch bệnh tôm lớn, nên xu thế tiêu thụ tôm khó phục hồi mạnh.
Một tồn tại lớn mà ngành tôm lâu nay chưa giải quyết được là việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Theo Bộ Nông nghiệp, lượng thuốc kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tăng một cách đáng lo ngại trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… ngày càng tăng tần suất kiểm soát dư lượng chất kháng sinh trong sản phẩm tôm nhập khẩu.
Hiện nay, Tại Nhật Bản, 100% lô hàng tôm Việt Nam đều bị kiểm tra thay vì chỉ 30% như thường lệ. Hàn Quốc cũng đã gửi hai bức thư tới Việt Nam cảnh báo việc dư lượng nitrofurans trong tôm. Tại Mỹ, chính thức từ ngày 31/12, tất cả tôm nhập khẩu vào nước này phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Trong khi đó, Australia cũng chưa gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 6/7/2017.
Thậm chí, tôm Việt cũng đang gặp khó ngay tại thị trường nội địa, bởi với các sản phẩm có dư lượng cloramphenicol dưới 0,3 phần tỷ có thể được chấp nhận tại một số thị trường như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lại bị cấm tại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam.
Vấn đề là Việt Nam chưa ban hành chưa quy định về giới hạn phân tích tối thiểu của phương pháp phân tích hóa chất, kháng sinh cấm, dẫn tới doanh nghiệp gặp khó ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Mặt khác, người nuôi ở Việt Nam lại rất ngại quy trình lấy mẫu kiểm tra kháng sinh vì chi phí cho công tác này rất cao, lên đến 3 triệu đồng và phải tiến hành trước, trong, sau thu hoạch, ông Quang cho biết.
Trong khi đó, ông Lực chia sẻ hiện nay, FMC chưa có ý định tham gia cung cấp hàng cho thị trường trong nước. Nguyên nhân là chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao, thủ tục đưa hàng vào các hệ thống tiêu thụ nội địa còn nhiều phiền toái.
Điểm sáng duy nhất cho tôm Việt trong năm 2018 là việc Mỹ giảm mạnh thuế chống bán phá giá trong đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) so với những lần xem xét trước đó, tạo tâm lý lạc quan cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam khi bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Theo đó, thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm của hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức sơ bộ 25,76%, cũng như mức áp dụng của đợt xem xét lần thứ 11 là 4,78%.
Ông Lực cho biết, ở POR13, FMC là một trong hai bị đơn bắt buộc. Đến nay, thủ tục báo cáo lên Bộ Thương mại Mỹ đã hoàn tất. Theo luật sư tư vấn, mức thuế chống bán phá giá cho đợt POR13 sẽ rất thấp so với POR12.
Hiện tại, doanh nghiệp tôm đang trông chờ vào tiến trình ký kết Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU. Khi chính thức có hiệu lực, tôm Việt sẽ được hưởng mức thuế 0% khi suất sang thị trường EU, giúp mặt hàng này tăng sức cạnh tranh với tôm Ecuador.
Một tin vui cho cả ngành cá tra và tôm vào cuối năm 2018 là việc Chính phủ đã thông qua Quyết định số 50 về việc xếp cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là ba đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam.