Bạc Liêu: Bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản
Thực trạng bất cập
Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 138.000ha, nghề nuôi tôm được xem là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ khi thực hiện chuyển đổi sản xuất cho đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng cao và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, những năm qua, việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên - Môi trường cho thấy, nhiều nơi môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái… Ô nhiễm môi trường từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các hóa chất cấm trong nuôi tôm, nhiều nơi nông dân vẫn chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xả thải bùn từ đáy ao trực tiếp ra các kênh nội đồng gây ô nhiễm nguồn nước đến mức cảnh báo. Hoặc khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước ô nhiễm ra các kênh nội đồng mà không đưa vào hệ thống ao lắng để xử lý, hay thông báo cho ngành quản lý để có biện pháp can thiệp. Từ đó, đã tạo nên vòng luẩn quẩn người thải nước ô nhiễm, người lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Đồng thời, nhiều nơi nông dân còn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi thủy sản. Cụ thể, nông dân vẫn dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác trong các ao nuôi, sử dụng các chất kháng sinh trong xử lý bệnh cho tôm…, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, vấn nạn khai thác nguồn nước ngầm quá mức ở các khu vực nuôi tôm cũng làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn tài nguyên này. Tất cả những bất cập này đã gây tác động xấu đến môi trường trong nuôi trồng thủy sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là làm cạn kiệt, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt đang rất cần cho phát triển sản xuất.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều vùng nông thôn của tỉnh phải đối đầu với nạn thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và cả sinh hoạt. Trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, con tôm được xem là đối tượng nuôi chủ lực, nhất là khi Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chọn làm thủ phủ cho ngành tôm công nghiệp của cả nước. Trong đó, cùng với xây dựng khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng, hệ thống quản lý môi trường nuôi, các mô hình nuôi tôm còn được nhân rộng và phát triển đến tận hộ dân. Vì vậy, việc nâng cao ý thức và làm tốt công tác quản lý môi trường cần được quan tâm.
Biệm pháp bảo vệ môi trường
Thực tiễn những năm qua cho thấy, nạn ô nhiễm môi trường từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các hóa chất cấm trong nuôi tôm đã đến mức cảnh báo. Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sản xuất để phát triển bền vững được xem là quan điểm chỉ đạo nhất quán và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ngày 05 tháng 4 năm 2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động nuôi thủy sản phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống kênh, mương cấp nước và xả nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tùy theo quy hoạch nuôi thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng và hình thức nuôi hợp lý nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành Thủy sản. Cụ thể là phải thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) và các quy định khác có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với các mô hình nuôi thủy sản kết hợp (tôm - lúa, lúa - tôm, tôm - rừng) và các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, phải bố trí đúng tỷ lệ diện tích đất, mặt nước, vật nuôi và cây trồng theo quy định và hướng dẫn của ngành chức năng. Hoạt động sên, vét bùn cải tạo ao nuôi phải tiến hành đúng kỹ thuật của ngành chức năng hướng dẫn, đúng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của tỉnh.
Đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y. Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp công nghệ hợp lý, không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý đạt giá trị của các thông số: pH, BOD, COD, chất rắn lơ lửng, coliform theo quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Việc xử lý chất thải rắn, chất thải phát sinh trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp; đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật vê chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, canh tác trong khu vực.
Đề góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững, không những đòi hỏi từ phía cơ quan chức năng, mà các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường thực hiện tốt các quy định trên. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản cho nhân viên, người lao động tại cơ sở, đơn vị mình; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Khai thác, sử dụng hợp lý và quản lý tốt chất lượng môi trường nước trong khu vực. Đồng thời, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, giải pháp bảo vệ môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận. Khi có nhu cầu thay đổi về vị trí, quy mô, công suất hoạt động của cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc những nội dung khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đã thẩm định, xác nhận trước đó, và chỉ được triển khai thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền…
Thanh Thủy